Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa kỵ huý
danh lợi 名利
AHV: danh lị. lị đọc lợi, do kỵ huý vua lê lợi.
dt. danh tiếng và tài lợi. (Trần tình 41.6)‖ (Tự thán 77.2)‖ Chông gai nhẻ đường danh lợi, mặn lạt no mùi thế tình. (Tự thán 80.3)‖ (Bảo kính 160.8).
hồng quân 洪鈞
◎ Nguyên bản 洪, chữ kỵ huý vua Tự Đức (Hồng Nhậm) thời Nguyễn từ tháng 11 năm 1847 [NĐ Thọ 1997: 151].
dt. trời. Trương Hoa trong bài Đáp Hà Thiệu có câu: “trời huân đào muôn loài, đất bẩm dục vạn vật” (洪鈞陶萬類,大块禀羣生 Hồng quân đào vạn loại, đại khối bẩm quần sinh). Dỉ sứ chim xanh đừng chốc lối, bù trì đã có khí hồng quân. (Đào hoa thi 228.4, 229.1).
Nghiêm Quang 嚴光
dt. (? - ?), vốn mang họ Trang, người đời sau vì kỵ huý vua Hán Minh Đế Lưu Trang mà cải họ, lại có tên là Tôn, tự là Tử Lăng , người Dư Diêu. Ông là người cùng học với Lưu Tú. Đời Đông Hán niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (25), Lưu Tú lên ngôi, tức Quang Vũ Đế, Nghiêm Quang bèn đổi họ đi ở ẩn ở bờ sông Phú Xuân (Đồng Lô, Hàng Châu, Chiết Giang), ngày ngày buông câu trên bờ, sau chỗ này gọi là nghiêm Tử Lăng điếu đài (đài câu Tử Lăng). Lưu Tú nhớ bạn hiền thuở xưa, sai người vẽ hình Tử Lăng cho tìm khắp thiên hạ, khi được tin liền sai sứ gióng xe ba lần vời về kinh đô Lạc Dương. Khi ấy có người quen cũ là hầu bá đang lĩnh chức tư đồ, sai người đến hỏi thăm, quang nói rằng: “Lòng nhân bỏ nghĩa thiên hạ vui, a dua theo chỉ thì sớm chết.” (懷仁輔義天下悦,阿諛順旨要領絕 hoài nhân phụ nghĩa thiên hạ duyệt, a du thuận chỉ yếu lĩnh tuyệt). Đến khi Lưu Tú đích thân tới thăm, Nghiêm Quang nằm không thèm dậy, vua bèn vỗ vào bụng nói, chà Tử Lăng, vì sao chẳng ra giúp ta? Tử Lăng hồi lâu mới giương mắt nhìn rồi đáp, kẻ sĩ vốn có chí, việc gì mà đến bức nhau thế? Lưu Tú đành lên xe về. Sau Quang Vũ Đế lại vời quang vào cung nói chuyện cũ, nằm chơi nói chuyện với nhau cả đêm. Tương truyền quang còn gác cả chân lên bụng vua. Vua định trao chức gián nghị Đại phu, nhưng Nghiêm Quang không chịu, lại về núi Phú Xuân cày cấy câu cá. Sau lại chuyển về quê, thọ tám mươi tuổi. Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến, Đồng Giang được nấn một đài câu. (Bảo kính 153.7). x. Tử Lăng.
nhậm 任
◎ Nguyên văn: 任, kính khuyết nhất bút, lệ kỵ huý thời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 152].
đgt. giữ chức vị được giao. Ở đài các, chử lòng Bao Chửng, nhậm tướng khanh, thìn thói Nguỵ Trưng. (Bảo kính 188.6).
sàng 淙
◎ Nôm: 淙 AHV: tông, sàng. Xét tự dạng kỵ huý đời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. thác nước [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 1611]. “sàng vốn có nghĩa là dáng nước chảy (thuỷ lưu mạo) có hiểu như vậy mới tạo được sự nối kết với câu trên [Nguyễn Nam 1984: 48]. Thuyết khác cho rằng sàng là đồ để lọc rây hạt. lòng tựa sàng là cái lòng vô tâm của người theo tư tưởng lão trang, ví như cái sàng, để cho mọi sự mọi vật lọt qua hết, cũng như lòng hư không trống rỗng mọi vật đều không có ý nghĩa gì. [ĐDA 1976: 777]. Nhưng cách ví von này chưa thấy điển tương ứng trong kinh sách đạo gia. Hoặc có thể nghĩ theo hướng: chữ “sàng” là một chữ giả tá đồng âm với “sàng 牀” hoặc viết nhầm từ chính chữ 牀. Nếu thuyết này có thể chấp nhận được thì “lòng tựa sàng” nghĩa là “lòng cũng đã như cái ban thờ”, có phần hô ứng với ý “cảnh ở tựa chiền”. Quan thanh bằng nước nhà bằng khánh, cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng. (Tự thuật 117.6).
tông 宗
◎ Nôm: 宗 Xét kỵ huý thời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. tổ tông. (Bảo kính 130.4)‖ tông có tộc mựa sơ thay, vạn diệp thiên chi bởi một cây. (Bảo kính 145.1)‖ (Giới sắc 190.8).
Đông Hoa 東華
◎ Nôm: 東花 Xét, viết chữ 花 là do kỵ huý thời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. địa danh, theo truyền thuyết là tên gọi tắt của Đông Hoa Đế Quân, tức ông tiên Đông Vương Công, hay Đông Hoàng Công. Sách Ngô Việt Xuân Thu ghi: “Dựng Đông giao để tế mặt trời, tên là Đông Hoàng Công; lập Tây giao để tế mặt trăng, gọi là Tây Vương Mẫu” (立東郊以祭陽,名曰東皇公; 立西郊以祭陰,名曰西王母). Từ đời Minh, các cơ quan trung ương đều được đặt trong cửa Đông Hoa ở kinh thành, nên vì thế được dùng để trỏ các quan trung ương, sau trỏ triều đình nói chung. Thành Thăng Long từ thời lê cũng đã có cửa Đông Hoa. Cố đô huế cũng có cửa này, sau kị huý nên đổi thành Đông Ba [NĐ Thọ 1997: 142]. Mấy thu áo khách nhuốm hơi dầm, bén phải Đông Hoa bụi bụi xâm. (Tự thuật 119.2). Hai câu này mang ý “đã mấy năm nay làm khách xa nhà, cái áo phải dầm mưa dãi gió, lại thêm bén bụi bặm của chốn kinh đô phồn hoa đô hội” (chuyển dẫn ĐDA).